Tin nội bộ
Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ bền vững
02/12/2007 06:37
Tại Bắc Kinh – Trung Quốc, từ ngày 12 đến 14/10/2010 đã tổ chức buổi họp mặt các chuyên gia trong mạng lưới SWITCH-Asia lần thứ 2. Đến tham dự buổi họp mặt có đại diện của Phái đoàn Châu Âu (Bỉ), Phái đoàn Châu Âu (Trung Quốc, Thái Lan), đại diện các Bộ của các nước Châu Á, các đối tác tham gia dự án SWITCH-Asia. Về phía Việt Nam có đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên Môi trường và đại diện các tổ chức thực hiện các dự án như VNCPC, RCEE, LIFASO. Ông Lê Xuân Thịnh (Trung tâm SXS Việt Nam – VNCPC) đã có một cuộc trao đổi xung quanh sự kiện này:
Ông Thomas Wiley (trái) đại diện phái đoàn Châu Âu (Bỉ) và ông Florian (dự án CSR - Việt Nam) trao đổi về dự án CSR đang thực hiện tại Việt Nam
Ông Phạm Sinh Thành (đại diện Bộ Công Thương) và Ông Phạm Mạnh Hà (đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường) đang trao đổi cách thức hợp tác trong mạng lưới
Xin ông cho biết một vài thông tin khái quát về chương trình SWITCH-Asia?
Chương trình SWITCH – Asia là chương trình nhằm mục đích thúc đẩy phát triển tiêu thụ và sản xuất bền vững ở các nước Châu Á.
Để đạt được điều này chương trình sẽ hoạt động đồng thời với các bên liên quan như các nhà sản xuất, tiêu thụ cũng như các nhà hoạch định chính sách thông qua hỗ trợ và thực hiện các dự án liên quan đến tiêu thụ và phát triển bền vững.
Đây là chương trình do Liên minh Châu Âu tài trợ và bắt đầu thực hiện từ năm 2007 với ngân sách khoảng 90 triệu euro cho giai đoạn từ năm 2007-2010 và hiện đang chuẩn bị ngân sách cho chương trình từ năm 2011.
Trong chương trình này Liên minh Châu Âu hỗ trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận để thực hiện các hoạt động của dự án ở 19 nước Châu Á: Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Căm phu chia, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Maldives, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam. Hiện nay chương trình này đã hỗ trợ cho 15 nước trừ Afghanistan, Bhutan, Bắc Triều Tiên và Maldives.
Hiện tại ở Việt Nam chương trình SWITCH – Asia đang được thực hiện thông qua những dự án nào, thưa ông?
Hiện chương trình đang hỗ trợ cho 6 dự án thực hiện ở Việt Nam gồm:
Hỗ trợ DNNVV VN nâng cao hiểu biết và thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) nhằm tăng cường liên kết với chuỗi cung ứng toàn cầu trong sản xuất bền vững
Đối tác thực hiện chính: UNIDO, VCCI
Lồng ghép chương trình sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua các hỗ trợ đổi mới kinh doanh ở Việt Nam
Đối tác thực hiện chính: ETC Foundation, RCEE
Ông Lê Xuân Thịnh (VNCPC) đang giới thiệu với các quan khách về dự án đang thực hiện tại Việt Nam
Phát triển sản phẩm bền vững ở Việt Nam, Lào, Campuchia
Đối tác thực hiện chính: Trường ĐH kỹ thuật Delft Hà Lan, Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC)
Thiết lập hệ thống sản xuất bền vững cho các sản phẩm song mây ở Việt Nam, Lào, Campuchia
Đối tác thực hiện chính: Quỹ động vật hoang dã (WWF), Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam (VNCPC)
Thiết lập cơ chế quản lý năng lượng cho các nước Đông Nam Á
Đối tác thực hiện chính: Trung tâm Năng lượng Đông Nam Á (ACE), RCEE
Thúc đẩy kinh doanh bền vững và có trách nhiệm đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chế biến gỗ thong qua mạng lưới Rừng và Thương mại ở các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam
Đối tác thực hiện chính: Quỹ động vật hoang dã (WWF)
Ông Nguyễn Hồng Long (VNCPC) đang chia sẻ kinh nghiệm thực hiện dự án của mình
Xin ông cho biết thêm mục đích của cuộc họp mặt và tiềm năng của chương trình trong tương lai?
Nhằm thúc đẩy sự liên kết giữa các dự án được tài trợ bởi chương trình SWITCH-Asia cũng như giúp cho mạng lưới hoạt động tốt hơn trong lĩnh vực tiêu thụ và phát triển bền vững, Liên minh Châu Âu đã tổ chức cuộc họp mặt mạng lưới SWITCH-Asia lần thứ hai. Sự kiện này diễn ra vào ngày 12-14 tháng 10 năm 2010 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) với sự tham dự của hơn 120 đại biểu đến từ Châu Âu và các đối tác Châu Á, các cơ quan chính phủ các nước, các nhà tư vấn,… với mong muốn tăng cường trao đổi thông tin về hoạt động của mạng lưới, tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa các đối tác Châu Âu và Châu Á nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình thực hiện sản xuất và tiêu thụ bền vững ở các nước đang phát triển góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Xin cảm ơn ông!