Tin nội bộ
ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH “KIẾN TẠO TƯƠNG LAI: PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM GÁI TRONG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO”
02/01/2025 09:11
Chiều ngày 17/12/2024, BK Holdings triển khai Đối thoại chính sách “Kiến tạo tương lai: Phụ nữ và Trẻ em gái trong Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo” tại Không gian làm việc sáng tạo BKHUP. Sự kiện quy tụ hơn 50 chuyên gia, nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo doanh nghiệp và tổ chức liên quan với mục tiêu nâng cao nhận thức về các thách thức mà phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình tiếp cận giáo dục và việc làm tại các ngành STEM, đồng thời đề xuất cơ chế chính sách và thúc đẩy hợp tác, kết nối mạng lưới để khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái tham gia vào các ngành STEM.
Năm 2024, BK Holdings trực thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội được Cơ quan Liên hợp quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) lựa chọn là đơn vị nghiên cứu và đề xuất những sáng kiến mới nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM). Đây là chương trình sẽ giúp cho phụ nữ và trẻ em gái có kỹ năng, sự tự tin và cơ hội để phát triển vượt trội trong các lĩnh vực STEM, đồng thời đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam trở thành một nền kinh tế sáng tạo và công nghệ cao vào năm 2030. Đối thoại chính sách “Kiến tạo tương lai: Phụ nữ và Trẻ em gái trong Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo” là hoạt động tổng kết chuỗi hoạt động trên.
Phát biểu chào mừng mở đầu sự kiện, Bà Caroline Nyamayemombe - Trưởng Đại diện UN Women Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ và trẻ em gái trong các lĩnh vực STEM, điều này không chỉ hỗ trợ phát triển bình đẳng giới mà còn là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chuyển đổi số và tăng trưởng bền vững. Bà cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo cùng xây dựng các chính sách, đầu tư và quan hệ đối tác để phá vỡ các rào cản và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào các ngành STEM, góp phần tạo dựng một hệ sinh thái công nghệ phát triển bền vững.
Bà Caroline Nyamayemombe - Trưởng Đại diện UN Women Việt Nam
Nối tiếp phát biểu của Bà Caroline là phần báo cáo của PGS. TS. Nguyễn Tiến Đông – Tư vấn trưởng của Dự án về nghiên cứu “Cơ hội và thách thức trong giáo dục và việc làm của phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam khi tham gia các ngành STEM” do UN Women đã triển khai (trong khoảng thời gian từ tháng 9/2024 đến tháng 12/2024).
PGS. TS. Nguyễn Tiến Đông – Tư vấn trưởng của Dự án
Sau phần báo cáo của PGS. TS. Nguyễn Tiến Đông, PGS. TS. Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tiếp tục chương trình với bài tham luận với chủ đề “Kiến tạo cho trẻ em gái tham gia STEM: Từ chính sách đến thực tiễn”.
PGS. TS. Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam
Từ chính sách đến thực tiễn là cả một chặng đường dài và rất nhiều chông gai của những người triển khai các hoạt động phổ cập STEM tại Việt Nam. Để làm rõ nội dung này, Bà Trần Tố Uyên - Giám đốc STEAM for Vietnam đã trình bày Báo cáo của STEAM for Vietnam về các công tác phổ cập STEAM tại Việt Nam.
Bà Trần Tố Uyên - Giám đốc STEAM for Vietnam
Đối thoại chính sách khép lại với Phiên tọa đàm “Thách thức, cơ hội và khuyến nghị đưa khoa học, công nghệ, sáng tạo vào giáo dục và cuộc sống cho nữ giới” với sự tham gia chia sẻ của:
Diễn giả:
- Ông Từ Minh Hiệu – Phó Giám đốc NSSC, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN, Bộ KH&CN
- PGS. TS. Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban Nghiên cứu Đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam
- TS. Nguyễn Ngọc Linh - Ban tuyên giáo trung ương
- Bà Trần Tố Uyên - Giám đốc STEAM for Vietnam
Điều phối tọa đàm: Ông Phạm Tuấn Hiệp - Chánh Văn phòng VNEI, Giám đốc Quỹ BK Fund
Các khách mời nổi bật:
- PGS. TS. Bùi Thị An - Nguyên Đại biểu Quốc hội, Phó CT Hội Nữ Trí thức Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ khoa học TPHN
- PGS. TS. Trương Thị Nam Thắng - Chuyên gia MOET, Nghiên cứu trưởng Viện Nghiên cứu Đổi mới và Phát triển
- TS. Dương Thị Kim Liên - Trưởng làng Công nghệ tạo tác động tại cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Techfest)
- Ông Đào Văn Tiến - Tổng thư ký Hiệp hội các trường cao đẳng nghề nghiệp ngoài công lập
Tọa đàm “Thách thức, cơ hội và khuyến nghị đưa khoa học, công nghệ, sáng tạo vào giáo dục và cuộc sống cho nữ giới”
Những chia sẻ và thảo luận trong Đối thoại chính sách “Kiến tạo tương lai: Phụ nữ và Trẻ em gái trong Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo” là nguồn cảm hứng để cùng xây dựng một cách tiếp cận toàn diện và bao trùm, thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các lĩnh vực STEM. Những nỗ lực này không chỉ góp phần thu hẹp khoảng cách giới, mà còn trở thành chất xúc tác mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững cho Việt Nam.