Tin nội bộ
XÂY DỰNG CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY PHỤ NỮ VÀ TRẺ EM GÁI TRONG GIÁO DỤC VÀ VIỆC LÀM STEM
21/10/2024 10:30
Ngày 16/10, Cơ quan Liên hợp quốc vì Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã chủ trì tổ chức chương trình tham vấn “Xây dựng giải pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong giáo dục và việc làm các ngành STEM” tại Trường Đại học Thủy lợi.
Sự kiện được thực hiện bởi Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam (VNEI), Trường Đại học Thủy Lợi và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư và phát triển Bách Khoa Hà Nội (BK Holdings).
Tham dự chương trình tham vấn có ông Lê Toàn Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia NSSC, Bộ Khoa học và Công nghệ; bà Tân Anh - Phụ trách Ban Phát triển nguồn nhân lực, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia NIC, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc chương trình ESG, Công ty FPT Digital; cùng đại diện của các trường đại học và cao đẳng, các tập đoàn công nghệ Việt Nam, các doanh nghiệp trong lĩnh vực STEM, các thành viên thuộc Mạng lưới VNEI và các nữ sinh thuộc khối ngành kỹ thuật của nhiều trường đại học và cao đẳng tại Hà Nội và Bắc Ninh.
Chương trình có sự tham gia của các đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; các trường đại học và cao đẳng; doanh nghiệp trong lĩnh vực STEM; thành viên thuộc Mạng lưới VNEI và nữ sinh của nhiều trường đại học và cao đẳng tại Hà Nội và Bắc Ninh.
Phát biểu tại chương trình tham vấn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lương Bằng - Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Thủy lợi nhận định, lĩnh vực STEM đã và đang đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của xã hội và nền kinh tế tri thức. Tuy nhiên, phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn nhiều rào cản trong việc cập nhật các cơ hội nghề nghiệp lĩnh vực STEM.
Vì vậy, với mong muốn nữ giới có thể tham gia nhiều hơn vào những hoạt động công nghệ, giảng dạy, quản lý trong lĩnh vực STEM, chương trình tham vấn được tổ chức để trao đổi về chủ đề xây dựng giải pháp nhằm thúc đẩy sự tham gia của nữ giới và trẻ em gái vào các trong các cơ hội giáo dục và việc làm STEM.
"Chương trình tham vấn là cơ hội giúp đội ngũ nữ cán bộ, giảng viên, các em nữ sinh viên có thể tích cực tham gia rộng hơn, sâu hơn và đầy đủ hơn với những hoạt động của lĩnh vực STEM. Sự cam kết và hợp tác của tất cả các đơn vị ngày hôm nay là minh chứng để chúng ta quyết tâm xây dựng một tương lai để phụ nữ và trẻ em gái được khuyến khích, trao quyền và phát huy năng động, sáng tạo trong lĩnh vực STEM này", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lương Bằng nhấn mạnh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lương Bằng - Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Thủy lợi phát biểu tại chương trình. Ảnh: NTCC.
Cùng chia sẻ tại chương trình tham vấn, Tiến sĩ Phùng Lan Hương - Giám đốc Đối ngoại BK Holdings (Đại học Bách khoa Hà Nội); Phó Trưởng ban Hội viên, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam (VNEI) cho biết:
Để hỗ trợ Việt Nam theo đuổi các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặc biệt là SDG 5 (Bình đẳng giới), SDG 8 (Việc làm tốt và tăng trưởng kinh tế) và Chương trình quốc gia về Chuyển đổi số của đất nước (Quyết định 749/QĐ-TTg); UN Women khởi động một sáng kiến mới nhằm thúc đẩy phụ nữ và trẻ em gái trong các lĩnh vực Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM).
Thông qua dự án này, chương trình tham vấn được tổ chức để nhận những đóng góp quý báu từ các chuyên gia về xây dựng chính sách, công nghệ, giáo dục, bình đẳng giới nhằm chia sẻ những kinh nghiệm, rào cản; từ đó cùng nhau xây dựng giải pháp thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái có các định hướng nghề nghiệp phù hợp, có kỹ năng, sự tự tin và cơ hội để thành công trong các lĩnh vực STEM; đóng góp cho việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam cũng như thúc đẩy hành trình Việt Nam trở thành nền kinh tế sáng tạo và công nghệ cao trong giai đoạn tới năm 2030.
Tiến sĩ Phùng Lan Hương - Giám đốc Đối ngoại BK Holdings; Phó Trưởng ban Hội viên, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam phát biểu. Ảnh: NTCC.
Chương trình tham vấn gồm nhiều bài phát biểu tham luận ý nghĩa, đóng góp cho việc xây dựng giải pháp thúc đẩy phụ nữ và trẻ em gái trong giáo dục và việc làm STEM.
Cụ thể một số nội dung chính trong chương trình có thể kể đến như, tham luận "Định kiến giới và những ảnh hưởng tới quá trình hướng nghiệp cho phụ nữ và trẻ em gái" của bà Vũ Thu Hồng – Cán bộ Chương trình Phụ nữ, Hòa bình và An ninh, UN Women đã phân tích những tác hại đặc biệt trong bối cảnh phát triển của nền kinh tế số.
Một số kiến nghị từ phía UN Women cho rằng, chúng ta nên có các chương trình học bổng, cố vấn, chương trình giáo dục về bình đẳng giới từ học đường, đặc biệt là xóa bỏ hoàn toàn sự phân biệt, đối xử với trẻ em gái trong môi trường giáo dục. Đối với cơ hội việc làm cho phụ nữ, các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng chính sách hỗ trợ phụ nữ thăng tiến, các chương trình đào tạo chuyên môn cho lao động nữ và lãnh đạo nữ rất cần được triển khai để đảm bảo họ có thể tham gia và hưởng lợi từ sự phát triển của nền kinh tế số một cách công bằng và bền vững.
Các đại biểu trao đổi, đóng góp ý kiến về bài tham luận sôi nổi trong chương trình. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp
Về phía Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ đã trình bày tham luận “Mất cân bằng giới trong tuyển sinh ngành kỹ thuật”.
Nội dung tham luận cung cấp các dữ liệu chi tiết về thực trạng nữ giới chiếm tỷ lệ thấp trong các ngành Công nghệ kỹ thuật – nhóm ngành trụ cột của sự phát triển. Tham luận chỉ rõ những hệ quả, nguyên nhân của sự mất cân bằng giới trong STEM đến từ những định kiến giới trong giáo dục; từ đó đưa ra khuyến nghị cần phải có sự hợp tác song phương, đa phương giữa các bên liên quan để tạo ra các chương trình toàn diện nhằm thúc đẩy phụ nữ và trẻ em gái tham gia, đạt thành công trong các ngành STEM.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ trình bày bài tham luận. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp.
Đại diện Trường Đại học Thủy Lợi, Tiến sĩ Phan Thị Thanh Huyền cũng đã trình bày tham luận về “Thực trạng mất cân bằng giới trong các ngành công nghệ ở Việt Nam”, thể hiện góc nhìn từ phía cơ sở giáo dục với các tồn tại về mất cân bằng giới, đặc biệt trong các ngành công nghệ. Tham luận chỉ rõ thực trạng mất cân bằng giới có xuất phát điểm từ chính môi trường giáo dục ở các cấp, đặc biệt là các hoạt động tuyển sinh và hướng nghiệp chưa được chú trọng lồng ghép giới.
Ngoài ra, về phía các doanh nghiệp công nghệ, ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc chương trình ESG của FPT Digital đã chia sẻ về “Chính sách tuyển dụng và hỗ trợ phát triển sự nghiệp cho nhân sự nữ tại Tập đoàn FPT”.
Theo đó, FPT xác định các nguyên nhân dẫn đến mất cân bằng giới trong lĩnh vực công nghệ bao gồm: định kiến giới trong tuyển dụng, trách nhiệm chăm sóc gia đình, thiếu cơ hội học hỏi, nâng cao kỹ năng. Để loại bỏ những rào cản này, FPT đã triển khai các hoạt động như: ứng dụng AI để giảm định kiến giới trong tuyển dụng; xây dựng các chính sách giúp nhân sự nữ nhanh chóng hòa nhập với văn hóa công ty; hỗ trợ nữ nhân sự đón đầu cơ hội học tập để bứt phá trong sự nghiệp.
Các đại biểu tham dự chương trình tham vấn. Ảnh: NTCC.
Sau phiên tọa đàm với sự tham gia của các đại diện đến từ nhiều bên liên quan để cùng làm rõ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình phát triển sự nghiệp của phụ nữ trong các ngành STEM; chương trình tham vấn tiếp tục triển khai những hoạt động nhóm nhằm xây dựng những giải pháp thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong các ngành STEM, đồng thời trao cơ hội giáo dục và việc làm để họ phát huy được tiềm năng và đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Theo: https://giaoduc.net.vn/